Giới Định Tuệ. Thân và Tâm.

Cùng học, hiểu rõ về Giới Định Tuệ trong giáo lý của Đức Phật. Qua những trích đoạn rất hay từ cuốn sách “Đường Xưa Mây Trắng” Của Thiền Sư “Thích Nhất Hạnh”.

Ngoài ra, Mình cũng có trích dẫn thêm một chút về chủ đề Thân và Tâm. Chúc các bạn học Pháp hạnh phúc. Thân mến!

Đan xen vào các trích dẫn mình có chú thích/giải thích thêm để cho các bạn dễ hiểu hơn khi học. 

Bụt (Phật) bắt đầu dạy đạo giải thoát. Người nói đến nguyên tắc tam học là giới định tuệ. Có giới thì có định, có định thì có tuệ, có tuệ thì giới thể vững vàng. Giới thể càng vững thì định lực càng lớn, định lực càng lớn thì tuệ giác càng sâu. Người nói đến phép quán duyên sinh để phát trừ những kiến chấp về thường, về ngã, để cắt đứt những sợi dây tham ái, hờn giận, si mê, để đạt tới giải thoát và an lạc.

Giới (Giới Luật) là những nguyên tắc sống cho an lạc (Loại bỏ dục vọng, hành động sai trái…). Có sống theo các nguyên tắc này, ta mới thực hiện được định. (giới còn được hiểu là sự kiểm soát bản thân theo con đường chính đạo, một người tu đạo thành công là khi thực hiện được giới luật một cách vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc bằng sự hiểu biết chứ không phải bằng sự gò ép, khổ hạnh, bất mãn, không thoải mái…). 

Phải có giới luật để giúp mình an trú trong chánh niệm (tức là an trú trong hiện tại, không bị lạc về quá khứ hay vị lai). Giới tức là cách thức sống để thực hiện từ bi và trí tuệ. Bản chất của Bát chánh đạo được nuôi dưỡng bằng nếp sống tỉnh thức hàng ngày, đó tức là chánh niệm. Chánh niệm đưa tới Định và Tuệ, có năng lực giải thoát con người khỏi mọi niềm đau và đem lại mọi an vui.

Giới hạnh và tuệ giác là hai cái quý nhất trên đời. giới hạnh và trí tuệ luôn đi song hành với nhau. Nhờ giới hạnh tịnh nghiêm mà tuệ giác phát triển. nhờ tuệ giác phát triển mà giới hạnh càng tịnh nghiêm. Cũng như lấy tay để rửa tay, lấy chân để kỳ cọ chân, hai thứ giới hạnh và tuệ giác nâng đỡ và phát triển lẫn nhau; giới hạnh làm cho tuệ giác thêm sáng và tuệ giác làm cho giới hạnh thêm thanh tịnh. Giới hạnh và tuệ giác là hai cái quý nhất trên đời. 

Lưu ý: Giới không phải là những phương pháp ép xác khổ hạnh. Mà đó là một đời sống đơn giản, phạm hạnh, đúng nguyên tắc. Ngày trước đức Phật đã từng tu khổ hạnh và nhận ra rằng. Thân và Tâm là một. không thể tách rời nhau. 

“Ta tu ở trong rừng này. Vì tu khổ hạnh lâu ngày nên thân thể ta yếu mòn. Hôm nay ta đã quyết  định xuống xóm để hoá trai, nhưng đi đến đây thì kiệt sức. May mà con đến kịp để cứu ta. Ta đã thấy rằng kềm chế xác thân không phải là con đường có thể giúp con người đạt được trí tuệ (Đạo). Thân thể không phải chỉ là một dụng cụ. Thân thể là đền thờ của tâm linh, thân tể là chiếc thuyền vượt biển. Vì vậy ta đã từ bỏ con đường kềm chế xác thân bằng sự đói khát và bằng sự chịu đựng. Ta đã quyết định mỗi ngày sẽ xuống xóm để hoá trai vào giờ ngọ.”

Thân và tâm là một thực thể không thể tách rời ra được. Và sự an lạc của thân có liên hệ tới sự an lạc của tâm, hành hạ xác thân cũng là hành hạ tâm trí.

Định là nếp sống có tỉnh thức, có chú tâm. Có tỉnh thức và chú tâm ta mới có khả năng quán chiếu về thực tánh của tâm ta và của hoàn cảnh, và có quán chiếu ta mới có Tuệ. Tuệ tức là sự hiểu biết.

Định và tuệ đi với nhau, định và tuệ bao hàm nhau, định và tuệ là một.

Một khi đã có hiểu biết, ta có thể thương yêu và tha thứ. Cuộc đời sẽ bớt khổ rất nhiều khi ta có hiểu biết. Nếu không hiểu biết, ta không thể thương yêu và tha thứ. Cho nên con đường giải thoát chân thật là con đường thực hiện sự hiểu biết. Hiểu biết là trí tuệ, là bát nhã. Mà trí tuệ chỉ có thể do quán chiếu đem lại. Con đường giới, định và tuệ vì vậy là con đường duy nhất đưa tới giải thoát”.

Trí tuệ được phát sinh sẽ giải thoát được cho người hành giả tất cả mọi ràng buộc khổ đau và làm phát sinh nơi người hành gia nguồn an lạc chân chính.

Health Coach Thái Hoàng
 

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments